Cần bảo tồn và phát huy các giá trị nghệ thuật truyền thống ở Kon Tum

2021-11-27 14:04:00.0

Nghệ nhân ưu tú A Brol Vẽ (làng Đăk Răng, xã Đăk Dục, huyện Ngọc Hồi) thổi khèn - một trong 14 nhạc cụ truyền thống của người Giẻ Triêng. 

Bên cạnh không gian văn hóa cồng chiêng đã được UNESCO công nhận là “di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại”, mỗi dân tộc tại Kon Tum đều có những nét văn hóa truyền thống phong phú, đa dạng và mang đậm bản sắc riêng, với đầy đủ các loại hình. Tuy nhiên, hiện nay, nhiều loại hình hát dân ca, nhạc cụ truyền thống các dân tộc đang dần bị mai một. Điều này đặt ra bài toán cần phải có phương án bảo tồn và phát huy giá trị của các loại hình nghệ thuật này.

 “Nỗi buồn” nghệ thuật truyền thống

Cộng đồng người Giẻ Triêng tại Kon Tum sinh sống chủ yếu ở các huyện Ngọc Hồi và Đăk Glei. Trong văn hóa của người Giẻ Triêng, âm nhạc luôn gắn liền với cuộc sống hàng ngày, trong những lúc lên nương, lên rẫy, hay trong những lễ như mừng lúa mới, đám cưới… Ngoài ra, các loại nhạc cụ còn được các đôi nam nữ dùng để tỏ tình trong những dịp lễ, hội của làng. Cứ như vậy, các thế hệ của người Giẻ Triêng sinh ra và lớn lên trong tiếng nhạc, bên ánh lửa bập bùng, cùng những điệu múa xoang truyền thống, mang lại bản sắc văn hóa riêng của người dân tộc thiểu số bản địa.

Nghệ nhân ưu tú A Brol Vẽ (sinh năm 1945, Già làng Đăk Răng, xã Đăk Dục, huyện Ngọc Hồi, tỉnh Kon Tum) cho biết, bộ nhạc cụ truyền thống của người Giẻ Triêng gồm 14 món là Đoar, Pin, Ring, Oong Eng Nhâm, Pin Pui, Khèn, Đinh Tút, Ong Eng Ọt, Đâl Đô, Gar, Pun Pâu, Ta Linh, Ta Lẻ và Tơ Lun. Các loại nhạc cụ này chủ yếu được làm từ gỗ, tre, nứa, giang… được lấy trên rừng gần làng. Để làm được nhạc cụ, nghệ nhân cần có tay nghề cao, cẩn thận, tỉ mỉ; bởi sự tinh tế cần thiết trong việc đục, đẽo, khoét lỗ. Qua đó, tạo ra những nhạc cụ có chất lượng âm thanh tốt, đạt tiêu chuẩn.

Già A Brol Vẽ chia sẻ, mỗi loại nhạc cụ đều có ý nghĩa và sử dụng trong một ngữ cảnh riêng. Đơn cử như Tơ Lun sẽ được dùng để thổi khi lên nương, lên rẫy, nhằm giảm đi mệt mỏi; Ta Lẻ dùng để thổi khi đi lên rừng nhằm xua đuổi thú dữ; Khèn dùng cho các đôi nam nữ tỏ tình với nhau; Oong Eng Nhâm dùng để thể hiện nỗi nhớ chồng đi làm xa của người phụ nữ trong gia đình,…

“Tuy nhiên, đến nay, già là người duy nhất của làng Đăk Răng và là một trong hai nghệ nhân có thể làm và thổi được các loại nhạc cụ này. Năm nay già cũng 76 tuổi rồi, không biết còn làm và thổi nhạc được đến bao giờ nữa. Rồi sau này, chỉ sợ nhạc cụ dân tộc Giẻ Triêng không còn ai biết tới nữa mà thôi”, già A Brol Vẻ buồn rầu nói.

 

Nghệ nhân ưu tú A Brol Vẽ (làng Đăk Răng, xã Đăk Dục, huyện Ngọc Hồi) là một trong hai nghệ nhân trong huyện có thể chơi được các nhạc cụ truyền thống của người Giẻ Triêng. 

Cùng chung nỗi buồn với nhạc cụ Giẻ Triêng, hát dân ca và thổi Tà vẩu của người Mơ Nâm (một nhánh của dân tộc Xơ Đăng) ở huyện Kon Plông cũng đang dần bị mai một. Sinh sống chủ yếu tại thị trấn Măng Đen và xã Măng Cành, các loại hình nghệ thuật truyền thống cũng đã gắn bó với bao đời nay của người Mơ Nâm.

Theo Nghệ nhân ưu tú A Lễ (sinh năm 1956, làng Kon Chênh, xã Măng Cành, huyện Kon Plông), các làn điệu dân ca Mơ Nâm thường được sử dụng trong các lễ hội của cộng đồng như đâm trâu, mừng lúa mới, nam nữ trong làng hát giao duyên, lời ru của mẹ cho con ngủ… Trong khi đó, Tà vẩu là một loại nhạc cụ được dùng cùng với đánh Cồng, bởi Cồng chỉ tạo ra một loại âm tiết trầm, còn Tà vẩu sẽ tạo ra nhiều âm tiết cao, trong trẻo, trai gái trong làng sẽ nhảy múa quanh đống lửa để phụ họa cho âm nhạc từ Cồng và Tà vẩu tạo ra. Ngoài ra, Tà vẩu còn đóng vai trò quan trọng, không thể thiếu trong bộ nhạc cụ truyền thống của người Mơ Nâm với 1 chiếc trống, 4 chiếc cồng, 2 – 5 chiếc khung (đàn T’rưng) và 1 chiếc Tà vẩu.

Dù mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc, song theo Nghệ nhân ưu tú A Lễ, đến nay, trong làng Kon Chênh chỉ còn khoảng 5 người biết hát dân ca, 3 người biết thổi Tà vẩu, tất cả đều đã lớn tuổi. Trong khi đó, thế hệ trẻ trong cộng đồng người Mơ Nâm, thậm chí ngay trong chính gia đình già A Lễ lại không mặn mà với các loại hình nghệ thuật truyền thống, chủ yếu nghe và hát nhạc hiện đại.

Cần sớm thực hiện chính sách bảo tồn

Bà Đậu Ngọc Hoài Thu, Trưởng phòng Quản lý văn hóa và Gia đình, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Kon Tum cho biết, không chỉ nghệ thuật của người Giẻ Triêng và người Mơ Nâm mà hiện nay văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh nói chung, loại hình hát dân ca, nhạc cụ truyền thống các dân tộc nói riêng đang dần bị mai một.

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên như những mặt tiêu cực của sự phát triển xã hội đương đại, sự phát triển của khoa học công nghệ (như điện thoại thông minh, truyền hình kỹ thuật số…), sự phát triển loại hình văn hóa hiện đại (âm nhạc đương đại, nhạc trẻ…); nguồn lực thực hiện công tác bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống các dân tộc thiểu số rất hạn chế. Trong khi đó, những nghệ nhân được xem là báu vật sống của loại hình di sản văn hóa truyền thống tuổi ngày càng cao, già yếu, bệnh tật, thậm chí nhiều nghệ nhân đã qua đời, không kịp thời trao truyền cho lớp trẻ vốn văn hóa truyền thống của dân tộc.

Tà vẩu - một nhạc cụ truyền thống của người Mơ Nâm (một nhánh của dân tộc Xơ Đăng ở huyện Kon Plông) và hiện chỉ còn chưa đến 10 người trong cộng đồng người Mơ Nâm biết thổi loại nhạc cụ này. 

“Trong những năm qua, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh đã nỗ lực tham mưu, triển khai thực hiện công tác bảo tồn, phát huy giá trị loại hình nghệ thuật truyền thống của đồng bào các dân tộc thiểu số như tổ chức nghiên cứu, sưu tầm và phục hồi nhạc cụ truyền thống bằng tre, nứa của các dân tộc Giẻ Triêng, Brâu, Bahnar và Xơ Đăng thông qua việc tổ chức các lớp truyền dạy về kỹ năng chế tác và diễn tấu loại hình nhạc cụ truyền thống. Ngoài ra, Sở cũng tổ chức cho các nghệ nhân tham gia hoạt động văn hóa, nghệ thuật trong và ngoài tỉnh để quảng bá các loại hình nghệ thuật của dân tộc”, bà Thu cho biết thêm.

Trên thực tế, khó khăn lớn nhất trong việc bảo tồn giá trị văn hóa, nghệ thuật truyền thống của đồng bào các dân tộc thiểu số là bởi giá trị kinh tế mà các loại hình nghệ thuật mang lại không cao. Trong khi đó, đối với đa phần thế hệ trẻ, vai trò của kinh tế rất quan trọng trong việc đưa họ đến và học hỏi các loại hình nghệ thuật của dân tộc.

Theo Nghệ nhân ưu tú A Brol Vẽ, khi có du khách đến làng Đăk Răng để tham quan, bên cạnh thưởng thức trình diễn nhạc cụ ngay tại làng, du khách có thể mua nhạc cụ của người Giẻ Triêng làm kỷ niệm. Mỗi một loại nhạc cụ tùy theo độ phức tạp trong quá trình chế tạo mà có giá khác nhau, từ 200.000 đồng – 600.000 đồng. Còn Nghệ nhân ưu tú A Lễ cũng chia sẻ, các đơn vị kinh doanh dịch vụ lưu trú, khách sạn, nhà hàng tại thị trấn Măng Đen thường xuyên liên hệ để ông đến biểu diễn cho du khách, với mức thù lao khoảng 200.000 đồng/lần. Các nghệ nhân ưu tú cho biết, việc tạo ra lợi ích kinh tế từ loại hình nghệ thuật truyền thống sẽ giúp thế hệ trẻ có “cái nhìn khác” về bảo tồn giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc mình.

Bà Đậu Ngọc Hoài Thu nhấn mạnh, cùng với các chính sách thu hút du lịch của tỉnh sau khi dịch COVID-19 được khống chế, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Kon Tum cũng đề nghị Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tham mưu Chính phủ ban hành văn bản quy định định mức chi chế độ đãi ngộ đối với các chủ thể văn hóa tham gia công tác bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc, nhằm đảm bảo quyền lợi, kịp thời động viên khích lệ đồng bào các dân tộc thiểu số tích cực tham gia công tác bảo tồn, phát huy văn hóa dân tộc.

Nghệ nhân ưu tú A Lễ (thôn Kon Chênh, xã Măng Cành, huyện Kon Plông) là một trong ba nghệ nhân của xã có thể thổi tà vẩu theo lối trình diễn nghệ thuật. 

Bên cạnh đó, Sở đề nghị Bộ quan tâm, hỗ trợ nguồn kinh phí trong công tác bảo tồn và phát huy những giá trị văn hoá tiêu biểu của các dân tộc thiểu số tỉnh Kon Tum và các chương trình, dự án, đề án của tỉnh về công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể, nhất là những chương trình, dự án, đề án mà tỉnh Kon Tum triển khai theo chương trình, dự án, đề án của Chính phủ, của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ban hành. Qua đó, góp phần bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa, nghệ thuật truyền thống của các dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh.

Bài và ảnh: Dư Toán (TTXVN)
baotintuc.vn

Thống kê truy cập

Đang truy cập: 1

Tổng truy cập: 2275386

PHƯỜNG CAM GIÁ - THÀNH PHỐ THÁI NGUYÊN

Địa chỉ: Đường Lưu Nhân Chú, phường Cam Giá, thành phố Thái Nguyên, tỉnh Thái Nguyên

Chịu trách nhiệm nội dung:

Bản quyền © 2020 Uỷ ban nhân dân phường Cam Giá. Bảo lưu toàn quyền

Thông tin liên hệ

  • 0208.3832.544
  • camgia@thainguyencity.gov.vn